Vị trí và đặc điểm của Vịnh Bái Tử Long
Bái Tử Long là một vịnh biển nằm trong Vịnh Bắc Bộ thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, có phạm vi hành chính gồm một vùng biển của thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và toàn bộ huyện Vân Đồn. Vịnh có tổng diện tích khoảng 1.600 km2, trong đó có 1.300 km2 là khu vực bảo tồn thiên nhiên, nằm tiếp giáp và có cùng cấu tạo địa chất là đảo đá vôi và phiến thạch được hình thành từ 570 triệu năm trươc như Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên tại Vịnh Bái Tử Long còn có sự đan xen của cả các đảo đất có diện tích lớn khoảng 600 hòn đảo lớn nhỏ với nhiều hệ thống hang động bên trong được hình thành do quá trình phong hóa như Cặp Kỳ Nhảy, Cặp Kỳ Giã, Thẻ Vàng, cụm đảo Hòn Chồng, Hòn Vân Đồn… Hơn nữa trong đó nhiều đảo có cư dân sinh sống như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng… Họ mưu sinh bằng nghề chăn nuôi trồng trọt, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Vì thế ở vùng vịnh Bái Tử Long hình thành những làng chài lâu đời, tiêu biểu như làng chài Cống Đầm

Hơn nữa, trong Vịnh Bái Tử Long còn có những bãi cát trắng, trải dài, và hệ thống phễu karst độc đáo có giá trị thẩm mỹ cao. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, Vịnh Bái Tử Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới… Và khu vực Vườn Quốc Gia Bái Tử Long là nơi tập trung tính đa dạng của vùng vịnh này. Khu vườn này đã được công nhận là Vườn Di Sản ASEAN nên có thể nói giá trị của nó là rất lớn. Các đặc điểm này đóng vai trò quan trọng trong tạo ra những sắc thái du lịch riêng của Vịnh Bái Tử Long.
Truyền thuyết và lịch sử của Vịnh Bái Tử Long
Truyền thuyết kể lại rằng ngay từ những ngày đầu lập nước, người Việt đã bị giặc ngoại xâm tấn công theo đường biển. Thấy thế Ngọc Hoàng đã cử Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống giúp người Việt đánh giặc. Khi các thuyền giặc ồ ạt tiến từ biển vào bờ cũng là lúc đàn Rồng hạ phàm. Ngay lập tức, đàn Rồng phun lửa thiêu cháy thuyền giặc và một phần nhả Châu Ngọc đã tạo thành một vức tường đá vô cùng vững chắc sừng sững giữa đất trời khiến thuyền giặc đâm vào vỡ tan tành.
Sau khi đánh tan giặc ngoại xâm giúp người Việt, đàn Rồng mới có dịp chiêm ngưỡng khung cảnh nơi đây. Thấy mặt đất thanh bình, cây cối xanh tươi và những con người thì cần cù, chịu khó nên Rồng Mẹ đã quyết định cùng Rồng Con ở lại nơi vừa mới diễn ra trận đấu để có thể bảo vệ con dân Đại Việt muôn đời. Và ngày nay, nơi Rồng Mẹ đáp xuống chính là Vịnh Hạ Long còn nơi đàn Rồng Con hạ giới là vịnh Bái Tử Long.

Lịch sử vịnh Bái Tử Long gắn liền với những trang sử của dân tộc Việt Nam, nơi đây có thương cảng Vân Đồn – thương cảng quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Được thành lập năm 1149 dưới thời vua Lý Anh Tông, với nhiều bến cảng trên các đảo tại vùng vịnh Bái Tử Long. Các cụm cảng này ước khoảng 200 km2 với các bến: Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi); Cái Làng, Cống Cái (xã Quan Lạn); Cái Cổng, Con Quy (xã Minh Châu); Cống Yên, Cống Hẹp (xã Ngọc Vừng), thuộc huyện Vân Đồn ngày nay. Thương cảng Vân Đồn đã hoạt động suốt 7 thế kỷ, là nơi hoạt động tấp nập các tàu buôn từ Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Philippines và châu Âu đến buôn bán và trao đổi hàng hóa.
Bái Tử Long còn là nơi chứng kiến những chiến công oai hùng của Trần Khánh Dư và ba anh em họ Phạm (người xã Quan Lạn) đánh tan đoàn thuyền Lương của tướng giặc Nguyên Mông Trương Văn Hổ năm 1288. Ngoài ra, trên Vịnh Bái Tử Long có các đền thờ nổi tiếng như: Đền Cửa Ông, còn gọi là đền Suốt, gần Cẩm Phả thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là con thứ ba của Đức ông Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – góp công rất lớn trong nhiều trận đánh quân Nguyên Mông.
Các tuyến tham quan và điểm du lịch tại Bái Tử Long
Quảng Ninh trong những năm qua đã tích cực đẩy mạnh việc khai thác vùng Vịnh Bái Tử Long để tạo ra sản phẩm du lịch biển mới. Với việc bến cảng cao cấp Ao Tiên được xây dựng và đưa vào khai thác vào năm 2023 và việc hình thành 3 tuyến tham quan Vịnh Bái Tử Long mới đã tạo ra cú hích cho du lịch nơi đây. Dưới đây là một số điểm tham quan hấp dẫn được khai thác tại Bái Tử Long.

Vườn quốc gia Bái Tử Long có vùng lõi nằm trong địa giới hành chính của 3 xã thuộc huyện đảo Vân Đồn: Minh Châu, Vạn Yên và Hạ Long với khoảng 24.000 người sinh sống. Được thành lập vào ngày 1/6/2001 theo Quyết định số 85/200 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn. Có tổng diện tích tự nhiên là 157,83 km² (nếu tính cả vùng đệm thì là 260 km²), trong đó diện tích đảo nổi là 61,25 km², với hơn 80 hòn đảo, cù lao lớn, nhỏ và 96,58 km² là khu vực biển thủy sinh. Địa chất khu vực này được tạo lên bới những đảo đất nằm xen kẽ với đảo đá như: Ba Mùn, Trà Ngọ Lớn, Trà Ngọ Nhỏ, Sậu Nam, Sậu Động, Đông Ma, Hòn Chính, Lò Hố, Máng Hà Nam, Máng Hà Bắc, Di To, Chầy Cháy, Đá Ẩy… Đặc biệt trong đó có đảo Soi Nhụ với những di chỉ khảo cổ về dấu tích người Việt cổ có niên đại cách đây khoảng 14.000 năm. Không những thế nơi đây còn có những dãy núi đá vôi vây quanh những thung lũng rộng lớn tạo thành những tùng, áng, là môi trường sống phong phú của nhiều loại động thực vật khác nhau.

Làng chài Cống Đầm là một ngôi làng nhỏ, cổ kính nằm trong khu vực Vịnh Bái Tử Long. Làng chài nằm tựa bên vách núi, cách xa vùng đất liền, mang đến cho du khách cảm giác bình yên và gần gũi với thiên nhiên.
Làng chài có dân số chỉ khoảng 120 người, chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Người dân ở đây còn giữ được gần như nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống của nghề chài lưới với những chiếc thuyền nan, những ngôi nhà sàn và những câu chuyện đời thường. Du khách sẽ được trò chuyện cùng người dân làng chài, nghe họ kể về những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời sông nước.
Làng chài Cống Đầm không chỉ hấp dẫn du khách bởi sự bình dị, mộc mạc của người dân mà còn bởi vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của núi, của biển. Nơi đây là khu vực bảo tàng địa chất ngoài trời được gìn giữ trong suốt 340 triệu năm. Nổi bật nhất là khu công viên đá xếp với những dãy núi được hình thành từ những tảng đá xếp chồng lên nhau theo nếp thẳng tắp hoàn toàn tự nhiên nhưng lại như có bàn tay xếp đặt của con người. Du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp của các tùng áng, các rặng san hô, các hồ nước ngầm trong lòng núi đá vôi và các hang động ngầm dưới nước.
Bài viết liên quan
Đảo bánh sữa
Giới thiệu chung về đảo Bánh Sữa Đảo Bánh Sữa (thuộc xã Bản Sen) là...
Th9
𝐁𝐀𝐘 𝐙𝐎𝐍𝐄 HẠ LONG- BIỂU TƯỢNG “ĂN – CHƠI – CHILL
𝐁𝐀𝐘 𝐙𝐎𝐍𝐄 – BIỂU TƯỢNG “ĂN – CHƠI – CHILL” MỚI ĐẬM CHẤT THỜI THƯỢNG...
Th7
LOVE IN THE BAY #9: HẸN HÒ CÙNG BẰNG KIỀU VÀ BẢO TRÂM
Bạn đang tìm kiếm một trải nghiệm hẹn hò lãng mạn và độc đáo? Bạn...
Th7
[Review] công viên nước Hà Lan
Công viên nước Hà Lan Quảng Ninh là một khu du lịch sinh thái, góp...
Th7
Tàu cao tốc đi Cô Tô (giá vé & lịch trình)
Để có một chuyến đi Cô Tô hoàn hảo, bạn cần chọn một phương tiện...
Th7
Chùa Hoa Yên (chùa Cả)
Chùa Hoa Yên tọa lạc tại độ cao 535m so với mực nước biển, đây...
Th7