Đảo Ba Mùn – Viên ngọc xanh của vịnh Bái Tử Long

Nằm kế cận di san thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Bái Tử Long được ví như một kho báu sinh quyển giữa trùng khơi của vùng biển đông bắc của Việt Nam. Vườn Quốc Gia Bái Tử Long  có tổng diện tích hơn 15.000 ha, trong đó điện tích mặt biển chiếm gần 10,000 ha còn lại là các vùng đảo nổi. Sự phong phú vế đa dạng sinh học của Vườn Quốc Gia Bãi Tử Long được biết đến với gần 2000 loại động thực vật, trong đó có 72 loài động vật và 30 loài thực vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Với đặc điểm địa hình là mặt biển bao quanh các đảo, những hòn đảo trong Vịnh Bái Tử Long trở thành một không gian tách biệt, yên tĩnh có các loài động thực vật sinh Sống. Đảo Ba Mùn nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc Gia Bái Tử Long xứng đáng được coi là thiên đường của các loài động thực vật .

Đảo Ba Mùn
Đảo Ba Mùn

Từ bến Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nếu đi xuồng máy thì chỉ cần mất gần một giờ là có thể đến đảo Ba Mùn. Trên đường đi, quang cảnh của vùng Vịnh Bái Tử Long mở ra trước mắt những ấn tượng kỳ vĩ của một vùng biển đảo. Những ngọn núi đá vôi bị nắng mưa và gió biển bào mòn sừng sững soi mình xuống dòng nước xanh trong của một vùng biển êm đềm, cây cối mọc treo leo trên những vách đá dựng đứng, nơi những loài thú nhỏ ẩn mình và những loài chim đại bàng, diều hâu làm tổ không ngừng bay lượn.

Từ xa, đảo Ba Mùn hiện ra bất ngờ trong vẻ hoang sơ. Ấn tượng đầu tiên khi đến Ba Mùn là sự đối lập giữa bờ đông và bờ tây. Phía đông hòn đảo, sóng vỗ từng đợt vào vách đá, trong khi đó phía tây lại yên bình, mặt nước phẳng lặng êm đềm. Bởi vậy mà hòn đảo được ví như bức tường thành che chắn cho cư dân huyện Vân Đồn sinh sống phía trong trước những trận cuồng phong của biển cả. Đảo Ba Mùn được bao phủ bởi một màu xanh do hoà quyện giữa cây xanh trên đảo và màu sắc đại dương. Xa xa sau những giải cát là hệ thống rừng ngập mặn phong phú và tương đối thuần khiết. Đặt chân đến đây sẽ như lạc vào thế giới của muôn loài chim, cò biển quý hiếm và những cánh rừng sú vẹt hoang sơ. Trong những rãi cát và bãi lầy, sú vẹt sẽ ngập nước khi thủy triều lên và cạn nước khi mỗi buổi sớm. Những thân cây thấp cắm bộ rễ vào sâu trong lớp cát để chống lại sức nở của bờ đất trước sự lên xuống của thủy triều.

Thiên nhiên hoang dã Ba Mùn
Đảo Ba Mùn nhìn tử khơi xa

Đảo Ba Mùn còn được gọi là đảo Cao Lộ – tên một hòn núi cao của hòn đảo này. Đảo có diện tích khoảng 1800 ha, thân đảo hẹp bề ngang và kéo dài gần 20km theo hướng đông bắc – tây nam, chỗ rộng nhất chừng 2km là nơi có ngọn núi với độ cao 307m, phía hẹp nhất khoảng 0.4 km. Phía bắc đảo là cửa Vành và tiếp đến là đảo Sậu Nam, phía nam là cửa Đối và nối tiếp đến đảo Minh Châu.

Đảo Ba Mùn được hình thành trên nền đá có thành phần địa chất cổ nhất trong vườn quốc gia Bái Tử Long như đá cuội kết, sa kết, đá phiến sét được giới hạn bởi hệ thống các lạch có địa hình đáy phức tạp tạo bởi hỗn hợp quá trình mài mòn, xâm thực, tích tụ ngầm, kế thừa địa hình cổ biển tiến. Cũng chính nhờ địa hình này và độ ẩm của biển cũng như các mạch nước ngầm đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng của các loài động thực vật nơi đây.

Trên đảo Ba Mùn có 7 khe suối lớn với các tên gọi khá độc đáo như khe: Ổ Lợn To, Ổ Lợn Con, suối Miếu Danh, Vạn Lau, Cao Lồ, khe Chè… Các suối có nước chảy quanh năm, rất trong sạch do có độ che phủ của rừng lớn. Đây là nguồn nước ngọt quý giá giữa biển khơi.

Dòng suối trong mát là một trong những điểm nhấn tại Đảo
Dòng suối trong mát là một trong những điểm nhấn tại Đảo

Đảo được che phủ bởi lớp thực vật rừng nhiệt đới là rộng thường xanh có cấu trúc nhiều tầng cây, phần cành thấp. Đặc biệt, sự trao đổi vật chất giữa rừng nhiệt đới và đất diễn ra rất nhanh và mãnh liệt tạo thành một vòng tuần hoàn vật chất khép kín. Trong rừng có nền nhiệt và độ ẩm cao, sự phân giải mạnh mẽ làm tăng tích lũy mùn, tăng độ phì của đất. Đây là sinh cảnh thích nghi với nhiều loài động vật hoang dã là kho tàng tài nguyên sinh vật nhiệt đới phong phú đa dạng. Phân bố trên đảo núi đất, một trong những khác biệt với các đảo núi đá tại vịnh Hạ Long. Vì vậy, hệ sinh thái cũng đa dạng, phong phú hơn về các loài sinh vật mà rừng núi đá không có. Ví dụ như các loài cây bách bệnh, lá khôi, sâm nam… Đây là kiểu trạng thái rừng tự nhiên có trữ lượng và cấu trúc nhiều tầng tán. Mật độ tái sinh rừng đạt 2400 – 2600 cây/ha với khoảng 60 – 70% cây tái sinh có chiều cao lớn hơn 1.5m, cây con tăng trưởng nhanh ít bị sâu bệnh hại.

Rừng nguyên sinh đảo Ba Mùn
Rừng nguyên sinh đảo Ba Mùn

Đi sâu vào những cánh rừng trên đảo Ba Mùn, sẽ bắt gặp những cây thảo mộc, cây thuốc nam cao ngang lưng, cây gỗ mục nằm chắn ngang đường là thiên đường của những loài nấm mộc nhĩ trên những tầng đất gỗ âm thấp. Sự phong phú của những loại địa hình đôi khi đem đến sự khó khăn cho người đi rừng nhưng cũng chính đó là vẻ đẹp độc đáo, hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh. Có thể dễ dàng bắt gặp tại đây những cây đa cổ thụ hay cây lim xanh cao vút, xung quanh bị bao kín bởi những thân dây leo chằng chịt. Trên những cành cây, những loài tầm gửi hay lan rừng mọc thành từng trùm xoà những chiếc lá xanh mướt trong khí hậu ẩm ướt của cánh rừng nhiệt đới thường xanh.

Hệ thực vật trên đảo vô cùng phong phú, đa dạng với 780 loài thực vật bậc cao trong đó có những loài gỗ quý như lim xanh, táo mật, kim sao núi đất. Trong đó đặc biệt quan trọng là loài trâm đỏ, lim sến, táu… và các loài hoa lan rừng đặc biệt quý hiếm. Việc bảo vệ những loài cây cổ thụ lấy gỗ này đặc biệt được trọng trách. Do được bao quanh bởi biển và cùng dưới sự giám sát kỹ càng của lực lượng kiểm lâm, những loài cây này vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

Ba Mùn với thảm thực vật phong phú, tại đây còn có nhiều loài động vật quý hiếm như trăn gấm, báo lửa, khỉ vàng, tê tê, tắc kỳ và những loài thú móng guốc như hươu nai, lợn rừng. Trong đó quần thể nai vàng hiện vẫn còn khá đông và cũng là quần thể duy nhất của vùng Đông Bắc Việt Nam. Ngoài ra còn có những loài động vật khác như sơn dương, hươu, khỉ, vượt… Cùng các loài chim biển, chim di cư tạo thành một bức tranh động vật hoang dã khá là phong phú.

Trong một thời gian dài bị săn bắt trái phép, làm cho số lượng cá thể của các loài thú lớn bị giảm mạnh. Nhưng Ba Mùn là đảo duy nhất tại vùng Đông Bắc hiện vẫn còn quần thể nai vàng cùng với quần thể lợn rừng có số lượng đông đúc, phân bố đều trên đảo. Hiện nay việc điều tra, giám sát, bảo tồn các loài thú có móng guốc này đang được quan tâm đặc biệt. Hiện nay các cán bộ tại Vườn quốc gia Bái Tử Long thường tổ chức giám sát thông qua những tập tính di chuyển, kiếm ăn và những dấu vết còn sót lại của chúng như vết cọ trên thân cây, lông hay vết chân. Đồng thời một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ra đời nhằm tăng khả năng sinh tồn, số lượng cá thể của các loài động vật đã bị săn bắt thiếu ý thức của con người trong những thập kỷ trước đây. Phục hồi lại phần nào cảnh quan thiên nhiên của hòn đảo danh tiếng này.

Hai chú gấu ngựa được cứu hộ tại đảo Ba Mùn
Hai chú gấu ngựa được cứu hộ tại đảo Ba Mùn

Trên đảo nhiều loài thú quý hiếm cũng đang được chăm sóc bảo tồn như nai vàng, khỉ đuôi dài hay gấu… được chăm sóc cẩn thận khôi phục sức khỏe trước ngày trở lại với tự nhiên. Sự nghiêm trọng của các loài động vật quý hiếm khiến cho việc bảo tồn của vườn quốc gia Bái Tử Long trở lên khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Dẫu biết những loài động vật hoang dã chỉ thực sự sống bên ngoài tự nhiên, nhưng việc nuôi nhốt và bảo vệ trong thời điểm này là cần thiết. Vì ngoài kia có quá nhiều mối đe dọa đang dập những cá thể hoang dã này. Những năm gần đây trung tâm cứu hộ đảo Ba Mùn cũng như vườn quốc gia Bái Tử Long đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm phương thức, chức năng cứu hộ chăm sóc các loài động vật hoang dã và đưa chúng trở lại với tự nhiên.

Trung tâm cứu hộ động vật Ba Mùn thả hàng chục cá thể khỉ và rắn về môi trường tự nhiên
Trung tâm cứu hộ động vật Ba Mùn thả hàng chục cá thể khỉ và rắn về môi trường tự nhiên

Những hòn đảo lớn nhỏ được bao bọc bởi biển nước và mây trời là nơi sinh sống của những loài động thực vật quý hiếm. Còn những người cán bộ của vườn quốc gia Bái Tử Long là những người dân bản địa rất hiểu sự phong phú của các loài động thực vật nơi đây. Công việc chăm sóc cứu hộ các loài động vật hoang dã đang làm đã góp phần rất lớn vào việc phục hồi cánh rừng nguyên sinh nơi đây. Bảo vệ những loài động vật quý hiếm tại đảo Ba Mùn không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với vườn quốc gia Bái Tử Long mà còn đóng góp quan trọng vào sự phục hồi sinh cảnh của khu bảo tồn biển Bái Tử Long.

Trả lời