Hang Đầu Gỗ: Động của các kỳ quan

Nổi bật giữa những hang động quyến rũ khác ở Vịnh Hạ Long, hang Đầu Gỗ được biết đến như một trong những hang động lớn nhất và đẹp nhất, thu hút một lượng lớn khách du lịch mỗi năm. Người ta thậm chí còn nói rằng hành trình của bạn không thể trọn vẹn nếu không đi ngang qua hang động nổi tiếng này. Hay theo dõi bài viết dưới đây để có cái nhìn rõ nhất về hang Đầu Gỗ nhé.

Vị trí và nguồn gốc của hang Đầu Gỗ

Hang Đầu Gỗ là một trong những hang động đẹp nhất trên vịnh Hạ Long, nổi tiếng với nhiều hình ảnh đá vôi kỳ lạ và huyền ảo. Hang Đầu Gỗ có diện tích khoảng 5.000m2, nằm ở độ cao 27m so với mực nước biển, trong lòng một dãy núi đá vôi trên đảo Đầu Gỗ, thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.  So với các hang động khác trên vịnh Hạ Long, hang Đầu Gỗ có diện tích lớn thứ 3 sau hang Sửng Sốt và động Thiên Cung (cách hang đầu gỗ 300m). Hang giống như một chiếc điều hoà nhiệt độ khổng lồ, mùa đông nhiệt độ trong hang Đầu Gỗ thì ấm, mùa hè, bên ngoài nóng nực nhưng trong hang lúc nào cũng chỉ 20-22oC.

 

Theo các nhà khoa học, hang Đầu Gỗ được hình thành cách đây khoảng 2 triệu năm, cùng thời điểm với động Thiên Cung, trong thời kỳ Pleistocen muộn. Trong quá trình này, nước biển đã xói mòn và tạo ra những khe nứt trên bề mặt núi đá vôi. Gió và mưa cũng đã góp phần phá hủy và tạo ra những lỗ hổng trên núi. Những lỗ hổng này dần dần được mở rộng và kết nối với nhau, tạo thành những hang động lớn và sâu. 

Tên gọi của hang Đầu Gỗ có nhiều giải thích khác nhau, phản ánh sự phong phú của lịch sử, văn hóa và thiên nhiên của vùng đất này. Một giải thích cho rằng, hang Đầu Gỗ là nơi quân sĩ nhà Trần cất giấu những chiếc cọc gỗ để xây dựng trận địa cọc tiêu chống quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ 13. Sau khi chiến thắng, các chiến binh đã mang theo phần lớn các khúc gỗ, chỉ để lại một số ít trong hang. Từ đó, hang được gọi là hang Giấu Gỗ (sau gọi chệch thành Đầu Gỗ). Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tống Khắc Hài cho biết “Tôi nhớ khoảng năm 1960, các chuyên gia Viện Khảo cổ đã từng đốt đuốc tìm trong hang xem có mẩu gỗ nào để kiểm chứng là dấu vết cọc gỗ của Trần Hưng Đạo không, nhưng không thấy gì. Có lẽ, do lòng tự hào lịch sử dân tộc, tình yêu đất nước, một số người đã gắn truyền thuyết ấy với tên hang.”

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tống Khắc Hài
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tống Khắc Hài cho biết không tìm thấy dấu vết về các cọc gỗ tại hang Đầu Gỗ

Ông Tống Khắc Hài cho rằng tên gọi của hang đầu gỗ nghiên về giải thích thứ 2 đó là tên của núi Đầu Gỗ. Nếu bạn đi từ Cát Hải (Hải Phòng) sang, bạn sẽ thấy núi giống như súc gỗ có hai lỗ nên dân chài gọi núi Đầu Gỗ. Hang trên núi thì gọi là hang Đầu Gỗ.

Ngoài ra lời giải thích cuối cùng là do dãy đảo Đầu Gỗ có hình cánh cung tạo ra trước hang Đầu Gỗ một vụng kín gió, nên ngư dân thường tụ về đây trong những ngày giông bão, hoặc sau một thời gian đánh bắt, họ thả neo sinh sống đông đúc và sửa chữa đóng lại thuyền bè tại đây nên có nhiều mấu gỗ sót lại. 

Các điểm tích lịch sử của hang Đầu Gỗ

Năm 1918, vua Khải Định và Toàn quyền Pháp Albert Pierre Saraut đã có chuyến du ngoạn trên vịnh Hạ Long và ghé thăm hang Đầu Gỗ. Trước cảnh sắc thần tiên của hang động, vua Khải Định đã tự sáng tác thơ và bài tựa để khen ngợi non nước Hạ Long và hang Đầu Gỗ. Tấm bia ghi lại những lời ca ngợi này hiện được đặt ở bên trái cửa hang Đầu Gỗ. Bia có trang trí hai con rồng chầu mặt trời ở trán và đế, và các họa tiết mây lửa mang phong cách mỹ thuật cung đình của triều Nguyễn. Trong bài tựa, vua Khải Định đã đặt tên cho hang Đầu Gỗ là “Ngũ sắc tường vân”. Có thể hiểu là ông muốn so sánh vẻ đẹp của hang Đầu Gỗ với chùa Tường Vân ở Huế được xây dựng năm 1843.

Tấm bia đá của vua Khải Định tại hang Đầu Gỗ ngày nay
Tấm bia đá của vua Khải Định tại hang Đầu Gỗ ngày nay

Ngày 5/10/1957, Bác thăm vịnh Hạ Long, tham quan hang Đầu Gỗ. Đến trước cửa hang, Bác đã nói với những người cùng đi: “Các chú phải là người vãn cảnh như Bác, thế mới vui. Cảnh đẹp một người không thể truyền lại cho nhiều người. Tất cả các chú phải cùng Bác thưởng thức”.

Năm 1938, lần đầu tiên hang Đầu Gỗ được nhắc đến trong một tạp chí du lịch của Pháp có tên là Merveille de Monde (Kỳ quan của thế giới). Bài viết này đã giới thiệu về vẻ đẹp huyền ảo và hoang sơ của hang Đầu Gỗ, cũng như sự tích và lịch sử của hang. Người viết đã dùng từ ngữ mỹ miều để ca ngợi hang Đầu Gỗ là Grotte des Merveilles (Động của các kỳ quan). Bài viết này đã gây được sự chú ý và tò mò của nhiều du khách trên thế giới, đặc biệt là người Pháp, về hang Đầu Gỗ và vịnh Hạ Long.

Cách di chuyển tới hang Đầu Gỗ

Để di chuyển đến hang Đầu Gỗ, bạn có hai cách chính như sau:

  • Cách 1: Bạn có thể mua vé thăm vịnh Hạ Long trong ngày, và chọn tuyến du lịch số 1, bao gồm các điểm như động Thiên Cung, Làng Chài Ba Hang, Hòn Trống Đá và hang Đầu Gỗ. Bạn có thể mua vé tại các cảng tàu du lịch như Bãi Cháy hoặc Tuần Châu. Giá vé chặng này là 440k/người (đã bao gồm vé thăm vịnh và tiền tàu). Bạn có thể tìm kiếm đặt tour thăm vịnh tuyến 1 tại đây.
  • Cách 2: Bạn có thể mua tour du thuyền Hạ Long để trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn trên vịnh, như ăn uống, ngủ trên tàu, câu cá, lặn biển… Tour du thuyền thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày, và có nhiều lựa chọn về loại tàu và giá cả. Bạn có thể tìm kiếm đặt du thuyền tại đây.

Khám phá hang Đầu Gỗ

Sau khi di chuyển từ cảng tàu du lịch, du thuyền sẽ đưa du khách tới hang đầu gỗ sau khoảng 2 giờ. Du khách sẽ càn di chuyển từ du thuyền tới cửa hang cách đó vài trăm mét, đường đi khá dễ dàng do nơi đây đã được xây sạch sẽ và khang trang tuy nhiên lối lên hang cần phải đi qua các bậc thang nên người khuyết tật khả năng đi lại cần phải chú ý trước khi đến.

Sơ đồ tham quan hang Đầu Gỗ
Sơ đồ tham quan hang Đầu Gỗ

Hang Đầu Gỗ có  diện tích khoảng 5000 m2, cửa hang rộng 17 m và cao 12 m kiến trúc rất đặc sắc và độc đáo, được coi là tuyệt tác của tạo hóa. Hang Đầu Gỗ được chia thành ba ngăn, mỗi ngăn có những nét riêng biệt và hấp dẫn.

Ngăn thứ nhất: Đây là khoang lớn nhất, ánh sáng tự nhiên chiếu sáng khắp nơi, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp như mơ. Trần hang như một bộ sưu tập các hình ảnh kỳ diệu, khiến người xem có thể tưởng tượng ra nhiều điều thú vị. Có lúc là những con voi đang ăn cỏ, có lúc là những con hổ hung dữ, có lúc là những chú thiên nga trắng muốt, có lúc là những con ong, bướm bay lượn. Những nhũ đá lâu năm được hình thành bởi thiên nhiên có hình dạng đa dạng, có khi giống như những cây cọ, có khi giống như những thanh kiếm sắc bén, có khi giống như rừng già, tiếng nước chảy róc rách như tiếng chim hót, tiếng vượn kêu. Trần hang còn được phủ một lớp “thảm nhung” mềm mại, lung linh ánh sáng từ những “đèn chùm” bằng nhũ đá, những tượng đá sư tử, trăn, rùa, gà chọi…… tất cả đều sống động trong một thế giới kỳ ảo. 

Những thạch kỳ lạ càng làm cho hang đầu gỗ trở lên kỳ ảo
Những thạch kỳ lạ càng làm cho hang đầu gỗ trở lên kỳ ảo

Ngăn thứ hai: Khoang giữa tối hơn nhiều nhưng ấn tượng với cấu trúc tinh thể. Khi bật đèn lên, nó sẽ biến thành một chiếc kính vạn hoa lộng lẫy, mê hoặc mọi du khách và khơi gợi trí tò mò của bạn về những hình ảnh đẹp như tranh vẽ. Đó là những hình ảnh về những hòn đảo đá lô nhô trên sóng nước cũng được khắc hoạ rõ nét trên bức tranh này. Mang lại cảm giác ngỡ ngàng và kinh ngạc trước vẻ đẹp của vịnh Hạ Long. 

Hành lang di chuyển giữa các ngăn trong hang Đầu Gỗ
Hành lang di chuyển giữa các ngăn trong hang Đầu Gỗ

Ngăn thứ ba: Đi hết con đường rộng 1,4m, du khách sẽ bắt gặp khoang thứ ba với những măng đá, nhũ đá nhiều màu sắc. Ngoài ra còn có nhiều cột đá khổng lồ được tạo ra bởi thiên nhiên trong khu vực này. Các cột đá này vừa không thô nhám, cứng nhắc, vừa xinh xắn, mềm mại. Những hình ảnh này mang lại cảm giác tinh tế và nghệ thuật cho du khách. 

Cột đá khổng lò trong hang Đầu Gỗ
Cột đá khổng lò trong hang Đầu Gỗ

Hang Đầu Gỗ là một hang động đá vôi có quy mô và kiến trúc độc đáo trên vịnh Hạ Long. Hang Đầu Gỗ thuộc loại hang động phát triển theo chiều ngang, có nhiều ngăn và có sự thay đổi về màu sắc, ánh sáng và hình dạng của các tác phẩm đá vôi trong hang. Theo các nhà khoa học, hang Đầu Gỗ là một trong những hang động có tuổi đời lâu nhất trên vịnh Hạ Long, cùng thời điểm với động Thiên Cung. Hang Đầu Gỗ toát ra một vẻ đẹp cổ kính, hoang sơ và tĩnh mịch với nhiều cột đá, trụ đá, măng đá nhỏ nhắn, cao vút như muốn vươn tận trời xanh. Những tác phẩm đá vôi này được tạo ra do sự kết tinh của các khoáng chất từ trần hang và rơi xuống đáy hang, cũng như sự phản chiếu của ánh sáng từ cửa hang vào các cột đá trong hang.

Những lưu ý khi tới hang Đầu Gỗ

Bạn cần lưu ý những điều sau để có một chuyến du lịch vui vẻ và bổ ích:

  • Bạn nên chọn thời điểm từ tháng 4 đến tháng 10 để thăm quan hang Đầu Gỗ, khi thời tiết dễ chịu, không lạnh, không mưa. Bạn nên tránh đi vào những ngày cao điểm như cuối tuần, lễ tết để tránh đông đúc và chật chội. 
  • Để lên tới hang Đầu Gỗ bạn cần đi bộ lên 90 bậc thang để đến cửa hang. Do đó đôi với người sử dụng xe lăn nên có người đi cùng hỗ trợ để mang và cõng người để có thể tới hang này.
  • Khi tham quan trong hang, bạn nên tuân thủ các quy định của ban quản lý và hướng dẫn viên. Bạn không nên xả rác bừa bãi, chạm vào các tác phẩm đá vôi hay làm ồn làm phiền người khác. Bạn nên bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của hang và tôn trọng di tích lịch sử của hang. 

Trả lời