Chùa Lôi Âm – Ngôi chùa cổ xưa và linh thiêng ở Quảng Ninh

Quảng Ninh là kinh đô phật giáo của Việt Nam, nổi tiếng với Thiền Phái Túc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập, đây được coi là quốc giáo dưới thời nhà Trần. Nơi đây có nhiều di tích và chùa linh thiêng như Yên Tử, Bà Vàng… Trong đó không thể không kể tới chùa Lôi Âm một ngôi chùa cổ có tuổi đời hàng trăm năm, trải qua nhiều triều đại phong kiến. Đây là một quần thể bao gồm chùa Lôi Âm Thượng nằm trên núi Linh Thứu và chùa Lôi Âm Hạ ở phường Đại Yên, thành phố Hạ Long. 

Chùa Lôi Âm Hạ

Nằm trên địa phận phường Đại Yên, TP Hạ Long, chùa Lôi Âm Hạ là một ngôi chùa cổ. Theo người dân địa phương và những nhà nghiên cứu, chùa xưa kia được xây dựng từ thế kỷ 17, là nơi thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong vùng. Trong kháng chiến chống Pháp, Chùa Lôi Âm Hạ là nơi cung cấp lương thực cho chùa Lôi Âm Thượng, vốn là căn cứ cách mạng của cán bộ đặc khu Hồng Quảng và của dân quân du kích địa phương. Khi thực dân Pháp phát hiện ra căn cứ cách mạng này, chúng đã đưa tàu chiến vào theo dòng sông Hốt bắn phá dữ dội chùa Lôi Âm Hạ, chùa Lôi Âm Thượng và gần như toàn bộ các kiến trúc tín ngưỡng xung quanh gần như bị tàn phá. Sau đó, nhân dân gần đó đã lên chùa mang các đồ pháp bảo còn lại ẩn dấu trong hang động sau chùa Lôi Âm Hạ. Từ đó, chùa Lôi Âm Hạ còn được gọi là chùa hang và ngọn núi đó được gọi là núi chùa. Sau này, chùa Lôi Âm Hạ được người dân phục dựng nhỏ bé bên cạnh núi chùa, nhưng cũng chỉ còn lại hai tháp đá cổ thờ xá lợi của hai vị tổ sư không rõ danh tính.

Chùa Lôi Âm Hạ
Chùa Lôi Âm Hạ

Trải qua thăng trầm theo thời gian, chùa Lôi Âm Hạ chỉ còn phế tích, năm 2012 chùa Lôi Âm Hạ bắt đầu được phục dựng lại. Chùa Lôi Âm Hạ hiện nay được phục dựng lại trên nền Nôi Âm cũ trước kia với diện tích trên 20.000 m2 với các hạng mục chính như cung Tam Bảo, nhà thờ tổ, nhà giảng đường, nhà tăng, lầu Quan Âm cùng thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, nhà sách lễ, lầu chiêng, lầu chống, vườn lăng, cổng tam quan. Trong đó, Lầu Quan Âm có kiến trúc mô phỏng chùa Một Cột Hà Nội, từ vị trí của Lầu Quan Âm du khách có thể quan sát toàn bộ không gian khoáng đạt của trọn thiền tâm.

Chùa được xây dựng bao gồm hệ thống vì kèo, cột trụ chắc chắn trạm khắc rồng phượng và hoa lá cách điệu. Không cầu kỳ trang trí, bên trong các cung thờ được bài trí đơn giản nhưng toát lên vẻ thanh tao linh thiêng. Chùa có kiến trúc hình chữ “môn” (nhà chính ở giữa, 2 nhà phụ hai bên), tiền Phật hậu tổ, hệ thống tượng pháp trong chùa không quá đồ sộ nhưng vẫn đầy đủ các tượng cần thiết như tượng thánh hiền, tượng đức chúa ông, tượng hộ pháp và tại chính điện thờ tượng đức bổn sư và hai bên là tượng Văn Thù, Phổ Hiền.

Việc phục dựng chùa Lôi Âm Hạ có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử cũng như văn hóa tôn giáo. Ngôi chùa này cùng với chùa Lôi Âm Thượng tạo lên một quần thể di tích tín ngưỡng tôn giáo đặc sắc tại thành phố Hạ Long. Là điểm dừng chân chiêm bái hấp dẫn với mỗi du khách trong dịp Tết đến xuân về.

Chùa Lôi Âm Thượng

Di tích chùa Lôi Âm nhìn ra sông Hốt ven vịnh Hạ Long, để đến chùa du khách phải đi đò qua hồ Yên Lập. Thuyền lướt trên mặt nước trong xanh qua những mỏm núi được người dân địa phương gọi là đảo cảnh, hòn cua nhấp nhô trên trong lòng hồ tạo nên một phong cảnh vô cùng nên thơ hữu tình. Sang được bờ bên kia du khách đi dọc theo con đường mòn để lên chùa, nếu như vào vài năm trước đây việc lên chùa còn tương đối khó khăn do đường đất thường trơn trượt vào mùa mưa. Tuy nhiên hiện nay con đường này đã được đầu tư xây dựng lại, tạo điều kiện để du khách hành hương về lễ Phật. Dọc hai bên đường là những hàng cây cổ thụ dợp bóng và những tảng đá rêu phong nhuốm màu thời gian. Nằm ở độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển, Lôi Âm là ngôi chùa thiêng nằm ở thành phố Hạ Long. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến năm 1997 chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chùa Lôi Âm
Chùa Lôi Âm Thượng

Chùa Lôi Âm Thượng nằm trên núi Linh Thứu trên độ cao 503m so với mực nước biển, giữa ngàn núi mây với sắc thái vô cùng uy nghiêm thanh tịnh. Chùa Lôi Âm Thượng được xây dựng vào thế kỷ XV, năm Quang Thuận thời Lê Thánh Tông (1460-1469). Theo các tài liệu lịch sử ghi lại trong thời đại phong kiến chùa đã có ba lần trùng tu lớn, tuy nhiên trải qua thời gian, ngôi chùa cũ xưa kia chỉ còn lại phần nền móng. Đến năm 2001, chùa được xây dựng lại và có diện mạo như ngày nay. Ngôi chùa mới được xây dựng lại với quy mô 3.410m2, với lối kiến trúc mô phỏng theo kiến trúc chùa truyền thống của Việt Nam kết hợp với hoa văn cổ mang đậm dấu ấn của các triều đại Lý, Lê và Nguyễn. Chùa gồm tòa chính điện thờ Tam Bảo cùng Mẫu, khu vườn tháp và ấm thiền định. Gian thờ Tam Bảo nằm trên một mảnh đất rộng bằng phẳng, bên trong thờ Phật với kiến trúc vì kèo, các cột đứng đều làm bằng gỗ.

Bên phải tòa chính điện là khu vườn tháp, đây là nơi lưu giữ được nhiều dấu ấn lịch sử với những cây cổ thụ cao lớn và các tháp tổ, theo thống kê hiện khu vườn tháp này hiện có 20 tháp tổ. Trong đó có những tháp với niên đại hàng trăm năm được xây bằng đá xanh và gạch đất nung. Cách tòa chính điện không xa là cung Mẫu với kiến trúc đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ trang nghiêm, giữa núi rừng linh thiêng. Đến chùa Lôi Âm, du khách không thể bỏ qua ấm thiền định hay được người dân trong vùng gọi là chùa hang hay lầu cậu. Ấm nằm cách cung Mẫu khoảng 200m là một phiến đá tự nhiên từng là nơi tĩnh thiền của các nhà sư. Từ vị trí của ấm thiền định du khách có thể bao quan trọn vẹn một vùng non nước và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ Yên Lập từ trên cao.

 

Trả lời