Đền Cặp Tiên

Đền Cặp Tiên là một di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nằm trên tại huyện Vân Đồn, đền có lịch sử lâu đời và là một trong những tuyến tham quan chính của Vân Đồn. Đến với đền Cặp Tiên, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp sơn thủy và tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng và lịch sử của nơi đây. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn về những điểm đặc sắc và sự tích thú vị của đền Cặp Tiên.

Vị trí và nguồn gốc tên gọi của Đền Cặp Tiên

Đền Cặp Tiên hay còn gọi là đền Cô Bé Cửa Suốt là một trong những ngôi đền thuộc quần thể di tích đền Cửa Ông, được công nhận là Di tích lịch sử năm 1989. Có vị trí nằm ngay cửa ngõ Huyện Vân Đồn thuộc  xã Đông Xá, cách đền Cửa Ông khoảng 2km. Đền có vị trí đẹp, lưng dựa vào núi tiên, mặt hướng ra biển Vịnh Bái Tử Long, tạo nên một không gian yên bình, thơ mộng và linh thiêng. Ngày nay,đền là một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của huyện Vân Đồn, thu hút nhiều du khách đến tham quan và cầu nguyện.

Đền Cặp Tiên
Đền Cặp Tiên

Sở dĩ đền có tên là Cặp Tiên vì tương truyền, xưa kia nơi đây là vùng đất sơn thủy hữu tình, cảnh đẹp thơ mộng và yên tĩnh. Nơi đây, thường xuyên có hai ông tiên xuống chơi cờ, ngắm cảnh. Theo hầu là hai nàng tiên, khi hai vị tiên ông chơi cờ, hai nàng tiên thường xuống chân núi vui chơi, tắm mát và lấy nước lên núi để đun nước pha trà phục vụ hai vị tiên ông. Nơi hai nàng tiên lấy nước là một giếng nước ngọt rất nhỏ nhưng không bao giờ cạn. Chỗ các cô tiên đứng múc nước sau này lõm xuống vẫn in hình dấu chân. Giếng nước các cô dùng sau này được gọi là “giếng Tiên” bởi khi nước triều lên dù ngập mặn nhưng khi nước triều rút thì nước giếng ngọt trở lại. Cũng bởi lý do đó mà các địa danh nơi đây đều gắn với “tiên” như núi Tiên, vụng Tiên, thôn Cặp Tiên… Cũng tương truyền rằng, đền Cặp Tiên thờ con gái của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tản – người thống lĩnh thủy quân chấn ải vùng cửa suốt nên được gọi là đên cô bé cửa suốt

Ngoài ra, vào thời nguyễn có ông quan chánh – người coi quản sông nước khu vực này, đã làm được nhiều việc có ích cho nhân dân. Ông cũng là người đứng ra góp công, góp của và huy động nhân dân trùng tu, sửa sang lại ngôi đền. Để ghi nhớ ơn đức của ông, sau khi ông qua đời thì nhân dân cũng thờ ông tại đền nên đền Cặp Tiên cũng được gọi là đền quan chánh

Các danh hiệu của Đền Cặp Tiên

  • Năm 1989: Đền Cặp Tiên cùng quần thể di tích đền Cửa Ông được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận Di tích lịch sử .
  • Ngày 18/8/2006, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xếp hạng đền Cặp Tiên là di tích Kiến trúc nghệ thuật và danh thắng
  • Ngày 25/12/2017 cùng với Di tích đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) – đền Cặp Tiên được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Kiến trúc Đền Cặp Tiên

Con đường dẫn tới đền Cặp Tiên được thiết kế với 2 làn xe và được đổ bê tông chắc chắn. Trên đường tiến vào, du khách sẽ được trải nghiệm cảnh quan non nước hữu tình nơi đây, với một bên là những vách đá cao chót vót, một bên là biển xanh với vịnh đảo nhấp nhô.

Công Tam Quan Đền Cặp TIên
Công Tam Quan Đền Cặp TIên

Những ấn tượng ban đầu khi tới đền Cặp Tiên đối với nhiều du khách đó sẽ là một ngôi đền ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ, một cây cầu cong, một cổng tam quan sừng sững thách thức với sóng gió của biển khơi. Nói về cảnh sắc của đền Cặp Tiên thì dân gian đã có những câu thơ miêu tả vẻ đẹp của ngôi đền này:

“Khi chiều tà ghé bến Cặp Tiên

Cặp thuyền rồng vào lấy nước giếng tiên”

Đền Cặp Tiên đã được được xây dựng từ xửa, tới thời nhà Trần sự phát triển tâm linh của đền có thay đổi một chút so với trước đây. Đến đời nhà Nguyễn thì được phát triển mạnh nhất. Đền được xây mới vào năm 1996 và được ủy ban tỉnh giao cho huyện Vân Đồn quản lý, trực tiếp là ủy ban nhân dân xã. Đến năm 2006, đền được trùng tu lại toàn bộ thành 3 ngôi tiền đường, chung từ và hậu cung. Tổng diện tích 3 ngôi này là 360 m2.

Trải qua thời gian, ngôi đền nhỏ xưa kia bị hư hỏng nhiều, năm 1996 thì đền được xây mới và năm 2006 thì được trùng tu khang trang thoáng đãng nhưng vẫn giữ được những nét cơ bản của một công trình kiến trúc cổ truyền. Hiện nay đền có 3 công trình chính bao gồm: Đền chính, động Sơn Trang và giếng Tiên.

1. Đền chính 

Quay hướng Đông Bắc, kiến trúc chữ Đinh, gồm bái đường và hậu cung với tổng diện tích là 102m2. Kiến trúc vì kèo ở bái đường theo kiểu chồng rường con nhị, cột cửa được làm bằng gỗ táu, trên các vì có treo các hoành phi, ở các cột có treo các câu đối, sân đền xây dựng phương đình, mái lợp ngói mũi hài, hai tầng tám mái, điểm mái ghép ngói lá đề, trong phương đình đặt bát hương công đồng lớn bằng đồng.

Khu vực đền chính Cặp TIên
Khu vực đền chính
  • Gian đại bái thứ nhất có chính cung thờ cô bé Cửa Suốt với pháp danh “Tiên Cô Cửa Suốt”.
  • Gian đại bái thứ hai thờ Đông Hải Đại Vương, bên phải thờ Ngũ Vị Tôn Ông và Tứ Phủ Quan Hoàng, bên trái thờ Phủ Chầu Bà.
  • Cung cấm thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.

2. Động Sơn Trang

Động Sơn Trang
Đền thờ tại động Sơn Trang

Có vị trí nằm ở hướng Đông Bắc trong động, các tượng thờ được bài trí hài hòa đều khắp không gian hậu cung, gồm Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, tượng nhị vị Phương Bà và 12 cô Sơn Trang. Động được chia làm hai phần như kiến trúc của đền. Phía ngoài bằng phẳng là nơi hành lễ, còn phía trong được đắp thành các dãy núi đá và đặt các pho tượng, phía trên bức tường ngăn giữa nơi làm lễ và động thờ treo bức hoành phi cuốn thư gồm bốn đại tự bằng chữ Hán “Công Đồng Sơn Trang”. Tượng thờ bài trí khắp không gian hậu cung trong động, gồm tượng Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, tượng nhị vị Vương Bà và 12 cô Sơn Trang, hai bên pho tượng Cậu. Chính giữa động là bức hoành phi được tạo hình kiểu cuốn thư đề bốn chữ “Nữ Động Sơn Trang”. Và để ghi công đức của vị nữ tướng ngôi đền này, người đời phong tặng hai câu đối:

“Thích thị vệ cung kim tự miếu

Sinh vị nữ quốc tử vi thần”

Câu đối có nghĩa là sống trần gian làm nữ tướng, chết là thần tiên cứu độ chúng sinh và thờ tự tại miếu Cặp Tiên ngày xưa.

3. Giếng tiên

Đây là một giếng nước ngọt nằm ngay bên bờ biển. Điều đặc biệt của giếng Tiên là khi thủy triều lên, giếng bị ngập nước mặn nhưng ngay sau đó lại ngọt trở lại. Quanh năm giếng không bao giờ cạn, bởi vậy không chỉ nhân dân trong vùng mà cả những người đi biển đều rất quý giếng nước này.

Khu vực giếng tiên
Khu vực giếng tiên

Theo ông Phạm Thắng Lợi, phó ban quản lý đền Cặp Tiên cho biết, giếng Tiên có đặc điểm là mùa đông thì nước ấm, mùa hạ thì nước mát. Trời càng hanh khô bao nhiêu thì nước càng mát bấy nhiêu. Mặc dù phần đồi phía trên đền là đồi trọc, chứ không có những cây lớn, nhưng không hiểu tại sao lại có nguồn nước không bao giờ cạn.

Đền Cặp Tiên không chỉ là di tích đẹp về cảnh quan mà còn mang ý nghĩa lịch sử to lớn. Đây cũng là nơi bảo tồn và lưu giữ những truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc. Đền cũng là nơi tham quan trong lộ trình du lịch Vân Đồn, được gắn kết với chuỗi du lịch đặc sắc của huyện, thu hút khá đông du khách từ mọi miền đất nước về đây.

Trả lời