Chùa Hoa Yên (chùa Cả)

Chùa Hoa Yên tọa lạc tại độ cao 535m so với mực nước biển, đây là ngôi chùa to nhất trong hệ thống chùa Yên Tử nên còn được gọi là chùa Cả. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, có tên là Phù Vân. Hơn 700 năm trước chùa chỉ là một thảo am rất nhỏ là nơi để Phật hoàng Trần Nhân Tông đọc kinh, giảng đạo và được đặt tên là  “Vân Yên”( mây khói), đặt với hàm ý: chùa trên tận núi cao, quanh năm mây sương phủ, mây lững lờ trôi, trắng nhẹ như khói bay trên núi. Từ khi vua Lê Thánh Tông lên vãn cảnh, thấy sắc hoa tươi đẹp nên đổi tên chùa là Hoa Yên. Nói về vẻ đẹp ở nơi đây trong thơ của Huyền Quang có viết

Hơi đêm phả lạnh bức rèm lan
Xào xạc cây sân thu đã sang
Quên đến trúc đường hương lựu tắt
Cành thông ngời khắp lưới trăng đan

Chùa Hoa Yên
Chùa Hoa Yên hay còn gọi là chùa Cả

Yên Tử mờ mờ, ảo ảo hiện lên giữa nền trời mây đẹp như một bức tranh thủy mặc với những nét bút thân tình, mỏng manh, nhẹ nhàng đầy huyền bí vì thế người ta mới ví Yên Tử như trốn bồng lai tiên cảnh giữa chốn nhân gian trần tục. Nếu du khách đến chùa Hoa Yên vào lúc bình minh sẽ cảm nhận được sự tinh khôi của núi rừng, cây cỏ ở nơi đây, khi đó ta mới thấy được cái tinh tế của Nguyễn Trãi khi vịnh Yên Tử:

Trên non Yên Tử chòm cao nhất

Trời mới canh năm đã sáng tinh 

Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả

Nói, cười- người ở giữa mây xanh

Muôn hàng giáo ngọc tre gài cửa

Bao dải tua châu đá rủ mành

Di tích Nhân Tông còn lưu đấy

Trùng đồng thấy giữa ánh quang minh.”

Có lẽ những hình ảnh đầu tiên khiến du khách thích thú ngắm nhìn trong hành trình lên chùa Hoa Yên là ba cây đại cổ thụ với dáng vẻ oai phong đã hơn 700 tuổi. Gốc cây xù xì như thể đã vượt qua bao nhiêu bão táp của đất trời, cây dựng vững trái chẳng khác gì người anh hùng giữa trận mạc. Trước khi được Phật hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử  tu hành, thì chùa được các nhà sư thời Lý xây dựng với mái chùa lợp bằng lá cây rừng. Sau khi lên tu hành, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông thường xuyên mở các lớp truyền Yếu chỉ Thiền tông cho các đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang, Bảo Sái, Pháp Không và các đệ tử khác ở đây.

Cây Đại cổ thụ 700 năm tuổi trước chùa Hoa Yên
Cây Đại cổ thụ 700 năm tuổi trước chùa Hoa Yên

Đến  năm 1317 Pháp Loa được truyền Y bát và trở thành đệ nhị Tam tổ, chùa Hoa Yên mới được xây dựng nguy nga thành một quần thể kiến trúc rộng lớn. Các công trình kiến trúc của chùa trước ngoài Tiền đường Thượng điện để thờ Phật chùa còn có có lầu trống lầu chuông, nhà nghỉ khách, giảng đạo nhà dưỡng tăng. Ngôi chùa hiện nay được xây vào thời nhà Nguyễn với kiến trúc năm gian hình chữ đinh. Người xưa cho rằng theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc ở nơi đầu rồng, đôi mắt rồng là chỗ dựng tháp tổ, hai dãy núi hai bên như đôi tay rồng đang ôm lấy con đường hành hương của du khách.

Chùa Hoa Yên ngày nay có kiến trúc theo chữ “Quốc”
Chùa Hoa Yên ngày nay có kiến trúc theo chữ “Quốc”

Ngày nay, mặt bằng chùa có lầu chuông, lầu trống, am Thiền định, nhà dưỡng tăng, nhà khách nay không còn. Cuối năm 2002, chùa Hoa Yên đã được tôn tạo lại, cấu trúc gần giống hình chữ “Quốc” kiểu chùa gọi là “ nội công; ngoại quốc”, có nghĩa là trong hình có chữ “công” còn bên ngoài có khung bao quanh như chữ “quốc”.Chùa được xây dựng trên dải đất hình cánh sen bao quanh sườn núi gồm hai phần: tiền sảnh và hậu cung rộng khoảng 150 m² thờ hàng chục pho tượng lớn toàn bằng đồng, lớn nhất là tượng Trần Nhân Tông đặt ở chính giữa hậu cung, ngồi xếp bằng trên đài sen, vẻ mặt không gợn chút trần tục. Gian bên trái chùa, trước tiền sảnh treo một quả chuông lớn đúc thời Minh Mệnh thứ 14, ghi lại bài Minh do Diên Chính Nguyễn Siêu Phàm soạn, ngợi ca về Trần Nhân Tông và Yên Tử. Có đoạn viết:

“Từng nghe, tiếng chuông khánh có ích lợi làm tỉnh giấc mê, tiếng chuông gióng giả ngân lên vang vọng chốn xa xăm, ấy là tiếng thanh đại pháp nơi cửa thiền. Chùa ở núi này, từ ngày Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhường ngôi vua đi tu hành đạo đến nay, lửa thiền truyền còn lưu rực rỡ, vẫn là chùa núi nổi tiếng bậc nhất của nước Việt…”( Dịch nghĩa chữ Hán).

Trước tòa Tam bảo đặt một lầu hương bằng đồng  rất cổ kính, phía sau chùa Hoa Yên là chùa Phổ Đà Quan Âm Bồ Tát tuy nhiên nay chỉ còn là phế tích. Ngay phía dưới chùa Hoa Yên là vườn tháp Huệ Quang, với 97 ngọn tháp kề nhau tạo thành một quần thể. Nằm chính giữa lăng Quy Đức là tháp Huệ Quang nơi an nghỉ của Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm đệ nhất tổ Trần Nhân Tông. Trong lăng An Chí tượng Trần Nhân Tông  trong tư thế tọa thiền mình khoác áo cà sa vắt chéo dáng vẻ an nhiên tự tại của một thiền sư đắc đạo.

Các Am Tháp cổ cạnh chùa Hoa Yên
Các Am Tháp cổ cạnh chùa Hoa Yên

Chùa Hoa Yên thể hiện sự hài hòa giữa công trình kiến trúc với thiên nhiên, sự hòa hợp giữa đạo và đời. Ngôi chùa là trái tim trong quần thể kiến trúc văn hóa tâm linh Yên Tử mà mỗi du khách đều muốn ghé thăm khi hành hương tại khu di tích danh thắng Yên Tử linh thiêng.

Trả lời