Khám phá Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử (chùa Lân)

Chuyện kể ngày xưa động chùa Rồng
Quả núi trông hình giống kỳ lân
Đài sen hoa nở vua lên ngự
Tỏa sáng hào quang Bạch Yên Vân

Tọa lạc trên quả đồi có hình dáng một con lân đang phủ phục, chùa Lân tức Thiền Viện Trúc lâm xưa kia là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất trong hệ thống chùa tháp của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Danh tiếng và sự nguy nga của chùa Lân được lưu truyền trong dân gian qua câu ca “Cổng chùa Lân, sân chùa Muống, ruộng chùa Quỳnh” tức là  “ngõ to, sân rộng và ruộng nhiều”.

Thiền Viền Trúc Lâm Yên Tử 1
Thiền Viền Trúc Lâm Yên Tử

Giới thiệu về lịch sử hình thành Thiền Viện Trúc Lâm

Chùa Lân là tên cũ còn ngày nay được gọi là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, hay tên chữ là Long Động Tự, có vị trí tại thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí. Ba tên gọi này có nguồn gốc như sau:

Thứ nhất là Long Động Tự tức là Hang Rồng, tên gọi này được hình thành do ngày xưa khi vua Trần Nhân Tông lên đường vào Yên Tử, người đã dừng chân ngồi nghỉ tại đây và nằm mơ thấy mình cưỡi rồng bay vào động. Phía trong động có một hồ nước trong xanh nở đầy hoa sen vàng với hương thơm ngào ngạt. Rồng đã đưa ngài dạo quanh các hồ sen, các hoa sen tỏa ánh hào quang kết hợp với tiếng nhạc du dương lan ra từng lá. Rồi ngài được đặt lên một đài sen, cũng đúng là lúc vua bừng tỉnh giấc. Lúc đó có hương thơm thoang thoảng và tiếng nhạc vẫn còn bên tai và một bầy rồng đất chẳng rõ từ đâu bỗng xuất hiện rất nhiều. Vì vậy đây cũng được xem là nơi rồng ở, sau đó ngôi chùa tọa lạc trên mảnh đất này mang tên Long Động Tự – Chùa Động Rồng.

Động Rồng nắng đã rọi

Khe Hổ Bằng còn đầy

Tên thứ hai là Thiền viện Kỳ Lân vì người dân quen gọi cơ sở đạo Phật này là chùa Kỳ Lân, gọi tắt là chùa Lân, do chùa nằm trên dãy núi Yên Tử mà nhìn từ xa thì như một con lân đang phủ phục; cuối cùng là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử vì đây là một dòng thiền của Việt Nam do vua Trần Nhân Tông sáng lập.

Chùa Lân do Trúc Lâm Điều Ngự, tức Trần Nhân Tông, xây dựng ít lâu sau khi xuất gia vào năm Kỷ Hợi 1293. Chùa Lân trở thành Viện Kỳ Lân, trở thành nơi giảng đạo, độ tăng, trong hệ thống chùa tháp của Yên Tử. Chùa Lân là ngôi chùa quan trọng chỉ đứng sau chùa Hoa Yên. Nơi đây có nhiều vị cao tăng trụ trì, thuyết pháp, trong đó vua Trần Nhân Tông đã trụ trì giảng đạo tại đây.

Trong Tam Tổ Thực Lục – cuốn sách ghi chép về hành trình của ba vị sư tổ Trúc Lâm, có phần ghi chép khá tỉ mỉ về bài giảng của Trần Nhân Tông tại Viện Kỳ Lân ngày mùng 9 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1306. Ngài thuyết pháp và trực tiếp trả lời các câu hỏi của sư môn. Trong các tài liệu của Phật giáo, chỉ có hai bài giảng của Trần Nhân Tông được ghi chép lại. Bài thứ nhất giảng tại chùa Liêm Hải Dương, bài thứ hai giảng tại chùa Kỳ Lân, nơi Đệ Nhị Tổ Pháp Loa và Tam Tổ Huyền Quang cũng thường đến đây thuyết pháp, giảng kinh.

Kiến trúc Thiền Viện Trúc Lâm Yen Tử

Sau thời Trần, chùa Lân vẫn là ngôi chùa nổi tiếng do các vị thiền sư lối tiếp truyền đăng lục diện. Thời nhà Lê, thiền sư Chân Nguyên, người đã có công chấn hưng Phật pháp, đã biên soạn Thiền Tông Bản Hạnh, Kiến Tánh Thành Phật và Tuệ Nguyên In Trúc Lâm Tam Tổ Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngụ Lục tại chính điện Kỳ Lân. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa gần như bị thiêu hủy hoàn toàn, chỉ còn hệ thống các mộ tháp, khoảng 23 tháp, trong đó có ba ngôi tháp cổ, hai ngôi tháp chính điện là tháp Viên Minh và Viên Quang, tháp nổi tiếng là Tịnh Quang Kim Tháp được triều đình nhà Lê ban sắc chỉ xây dựng vào năm 1726. Ngự ở nhà sau nhà tổ là quan xá lợi của Tuệ Đăng Hòa Thượng tổ Chân Nguyên – một bậc đại giác tuệ được triều Lê sắc phong là Tăng Thống Chính Giác Hòa Thượng. Ngoài ra, phía trái tháp Tịnh Quang là cây đa cổ thụ 700 năm tuổi, với tán lá xum xuê, rễ tạo nên hàng chục người ôm không xong. Chẳng hiểu thân đa mọc lên từ đất ở thân nào. Một khóm rễ đã bao trùm lên gốc thị, khiến du khách ngỡ cành thị mọc ra từ thân đa. Cùng với các tháp và nhiều cổ vật người xưa còn lưu lại, cây đa sau chùa cũng trở thành một chứng nhân lịch sử, một tạo vật hiếm hoi được bảo tồn.

Nhằm tôn tạo lại truyền tổ, bảo tồn và phát huy thiền phái Trúc Lâm, ngày 19/1/2002, lễ đặt đá xây dựng chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử đã được tổ chức trang nghiêm. Công trình được xây dựng với sự khởi xướng của Hòa Thượng Thích Thanh Từ, viện trưởng viện Trúc Lâm Đà Lạt, và công đức của các tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước.

Nhân dịp ngày sinh của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, ngày 11/11/2002, chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử chính thức khánh thành trên diện tích gần 5 mẫu. Chùa được xây dựng bằng vật liệu hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của ngôi chùa Việt. Chùa có kiến trúc bao gồm các phần chính như: chính điện, nhà thờ tổ, lầu trống, lầu chương, nhà tăng, thiền đường, trang pháp đường, la hán đường. Bố trí trong chùa khoáng đạt, đơn giản, dùng ngay chữ quốc ngữ trên các hoành phi, câu đối.

“Phật pháo chi rành nẻo vào luân hồi đường giải thoát

Thiên tông thẳng lối không theo thứ bậc đến chân như”

Hiện tại ở chùa Lân có một số hiện vật quý độc đáo. Trong chính điện có tượng đồng Thích Ca Mâu Ni nặng gần 4 tấn, là pho tượng đồng lớn nhất tại Yên Tử hiện nay. Ngoài ra tại đây còn có một pho tượng độc đáo khác, đó là tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng gỗ dán hương có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Tượng cao 3,2 m, bệ đỡ cao 0,65 m, chiều rộng bệ đỡ 0,95 m. Nặng khoảng 3,2 tấn, với những đường nét trạm khắc tinh tế. Pho tượng được đặt sau chính điện, trước nhà thờ Tam Tổ Trúc Lâm, do các Phật tử thành tâm công đức. Trước sân thiền viện đặt một quả cầu như ý báo ân bằng đá hoa cương đỏ, với đường kính 1,595 m, trọng lượng 6,5 tấn, được lấy từ mỏ đá An Nhơn, Quy Nhơn. Quả cầu được đặt trên một bệ đá có tiết diện vuông nặng 4 tấn, bên ngoài là bể nước hình bát giác, với 8 bồn hình cánh hoa bao quanh tượng cho bát chính đạo. Quả cầu được Trung Tâm Kỷ Lục Guinness Việt Nam xác nhận là quả cầu như ý lớn nhất Việt Nam.

Tượng đồng Thích Ca Mâu Ni nặng gần 4 tấn chùa Lân
Tượng đồng Thích Ca Mâu Ni nặng gần 4 tấn chùa Lân

Trong La Hán Đường có bộ tượng gỗ 18 vị La Hán được trạm khắc tinh tế, đủ các dáng điệu và nét lịch của từng vị. Bộ tượng gỗ gợi nhớ đến chùa Tây Phương và bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Huy Cận: “Các vị La Hán chùa Tây Phương, hôm nay xã hội đã lên đường, tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại, xua bóng hoàng hôn, tản khói sương”.

Tượng La Hán
Tượng La Hán

Đặc biệt thiền viện có ngôi nhà Trang Pháp Đường rộng lớn, rất thoáng đẹp. Tổng diện tích là 4000 m2, gồm 2 tầng, được khánh thành vào năm 2012. Phía trước ngôi nhà Trang Pháp Đường có tượng Quan Thế Âm bằng đá hoa cương, với chiều cao 14 m. Đây là bức tượng Bồ Tát bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam. Trước pho tượng Quan Âm Bồ Tát là hồ tĩnh tâm với khuôn viên rộng thoáng. Khi đến thiền viện, ngắm khung cảnh và đặc biệt ngắm nhìn hồ tĩnh tâm, bạn sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh và bình an.

 

Trả lời